Ngày xưa, có một ông
quan huyện có tài xét xử. Trong dân gian có vụ nào rắc rối gay go nhất, ông đều
có cách tìm ra manh mối và phân xử công bằng.
Một hôm, có hai người
đàn bà dắt nhau đến công đường với một tấm vải. Trước mặt quan một người mếu
máo thưa: - Bẩm quan, sáng nay con mang một tấm vải đi chợ
bán, bà này hỏi mua, con đưa ra cho bà ấy xem. Thế rồi tự dưng nó cướp không tấm
vải bảo là của nó, nhất định không chịu trả lại cho con nữa. Thật là chuyện ngược
đời! Xin quan đèn trời soi xét.
Quan nhìn người đàn
bà thứ hai thì thấy bà này cũng rưng rưng nước mắt kể: - Bẩm
quan, chính nó mới là đồ ăn cắp. Tấm vải này là của con vừa dệt xong mang đi chợ.
Con để nó trong cái thúng khảo thế mà vừa ngoảnh đi một lát nó dám thò tay vào
lấy, chính con bắt được quả tang. Thế mà nó còn dám đặt điều để vu
oan giá họa...
Quan ngắt lời hai
người, mỗi bên phải cử ra một người ít nhất cũng đã chứng kiến vải của mình bị
lấy mất. Nhưng cả hai đều không tìm ra được người làm chứng chỉ vì sự việc xảy
ra ở một nơi vắng vẻ, lúc đó chưa có người qua lại. Quan lại gọi hai người lính
lệ, bảo chúng đi về tận nhà mỗi bên thử xem có phải đúng vải của họ dệt ra như
lời khai hay không. Nhưng khi hai người lính trở về thuật lại thì quan rất lấy
làm ngạc nhiên, vì cả hai đều có khung cửi như nhau, khổ vải bằng nhau và chính
sáng sớm ngày xảy ra câu chuyện bên nào cũng mang một tấm vải đi chợ bán. Thật
rắc rối làm sao! Quan cố nhìn vào thần sắc từng người để dò ý tứ. Nhưng quan chỉ
thấy vẻ đau đớn vì mất của hiện trên nét mặt của cả hai người, không có gì khác
hơn. Suy nghĩ một chốc, quan ôn tồn bảo họ:
- Cả hai mụ đều
có lý do cả. Biết làm sao bây giờ. Thôi ta phân xử cho thế này: giờ đem cắt tấm
vải ra làm đôi, chia cho mỗi người một nửa. Thế là ổn. Hãy đi về nhà mà làm ăn!
Nói xong, quan sai
lính đo vải xé ngay giao cho mỗi người một nửa. Thấy thế, một người
đàn bà bỗng ôm mặt khóc thút thít. Lập tức quan sai trả cả tấm cho
người đàn bà ấy rồi thét lính trói người kia lại vì chỉ có chủ nhân thực sự của
tấm vải mới đau xót bật ra tiếng khóc kia. Quả nhiên, sau một hồi tra khảo, người
đàn bà kia đành cúi đầu nhận tội.
Một hôm khác, quan
đi hành hạt qua một cái chợ. Bỗng nghe tiếng chửi rủa huyên náo, vội tiến lại
xem có việc gì. Đến nơi, thấy một người đàn bà đang gân cổ lớn tiếng chửi kẻ bắt
trộm con gà của mình. Hỏi người xung quanh thì họ cho biết là mụ ta
chửi như thế đã được hai ngày, ai cũng lấy làm khó chịu. Quan vội sai người hầu
bước tới dùng lời khuyên can: - Này mụ kia, sao lắm
lời thế?
- Của tôi, tôi
xót - người đàn bà đáp - can gì đến chú.
Nói xong lại tiếp tục
chửi. Quan bèn cho chức dịch đòi người đàn bà lại hỏi: - Sao mụ ác
khẩu thế! Một con gà phỏng có bao nhiêu mà mụ chửi rủa nặng lời?
Người đàn bà
nói: - Bẩm quan, con chăm chút bấy lâu mới được một ổ gà. Nay nó lấy mất cả
gà lẫn trứng, không căm tức sao được!
Quan hất hàm bảo bọn
chức dịch: - Ta ghét con mụ này ngoa ngoắt, độc mồm độc miệng
làm cho xóm giềng điếc tai nhức óc đã hai ngày, không thể không trị tội được. Vậy
cho đi rao trong xóm đòi tất cả mọi người lại đây. Cho mỗi người tát cho mụ một
cái vào má, cho rõ đau để trả nợ việc mụ xúc phạm đến sự yên
tĩnh của hàng xóm.
Lệnh quan ban ra, mọi
người không thể không tuân theo. Mặc dầu ai cũng ghét mụ ngoa ngoắt,
người ta vẫn thấy thương con người đã mất gà lại bị đánh, cho nên ai cũng sẽ
tay vả nhẹ mỗi người một cái vào má cho xong. Chỉ có tên trộm căm mụ
đã gào đến tam đại nhà mình nên hắn cứ theo đúng lệnh quan, vả mụ một cái thật
đau cho bõ tức.
Nhưng khi hắn vừa bước
ra khỏi đám đông thì quan đã gọi giật lại, vạch đúng tội trạng và tâm lý của hắn.
Hắn không thể chối cãi được, đành thú nhận.
Một hôm khác, quan
đi qua một ngôi chùa lớn, ghé vào vãn cảnh. Sư cụ trong chùa thấy quan, liền ra
đón tiếp kính cẩn, mời vào phương trượng ngồi uống trà. Sư than thở với quan rằng
mình có giữ cho chùa một số tiền lớn không may bị kẻ trộm trộm mất cả. Nhưng sư
không biết ngờ cho một ai. Lại cũng không muốn trình quan, sợ làm khổ lây đồ đệ.
Nay sư có ý nhờ quan kín đáo xét hộ mình một tý.
Quan hỏi rõ sự tình
vụ trộm trước sau rồi chỉ lên tượng phật bảo với sư cụ: - Đức Phật
ngài thiêng lắm, sao hòa thượng không cầu người tìm giúp, chả hơn nhờ tôi ư? Đức
Phật có phép làm cho kẻ gian cầm hạt thóc nảy mầm. Nếu hòa thượng muốn, tôi sẽ
xin vì nhà chùa thử một phen.
Nói rồi bảo sư cụ biện
lễ cúng Phật. Trong khi hòa thượng làm lễ, quan cho gọi tất cả sư vãi và những kẻ ăn người ở trong chùa ra để chay đàn. Quan bảo
mỗi người một tay cầm
cành phan và tay kia cầm một nắm thóc, đã ngấm nước, rồi nói: - Sư cụ
có cho biết chùa ta trước đây có mất một số tiền mà không biết rõ ai
là người lấy trộm. Ta chắc chỉ có người trong chùa lấy mà thôi. Ta
nghe đức Phật ngài rất thiêng. Bây giờ, mỗi người cầm một nắm thóc đã ngâm nước
rồi vừa chạy vừa niệm Phật. Nếu đúng là kẻ gian, đức Phật sẽ làm cho thóc trong
tay nảy mầm. Như vậy gian ngay tỏ rõ, khỏi phải tra khảo phiền phức.
Cả đoàn người mới chạy
được vài vòng thì quan đã thấy có một chú tiểu thỉnh thoảng lại hé tay cầm thóc
ra xem. Liền đấy, quan sai mọi người dừng lại, bắt lấy chú tiểu, vì chỉ kẻ có tật
mới giật mình, nên thỉnh thoảng lại nhìn trộm như thế.
Chú tiểu thấy vạch
đúng lý, nhận tội.
Hết.
KHẢO DỊ
Một số sử sách chép
những truyện trên cho là của Nguyễn Mại thời Lê và cho ông là viên quan xử kiện
tài tình.
Trong chuyện này,
tình tiết hai người đàn bà kiện giành nhau tấm vải gần giống với một số truyện
cổ tích Đông Tây.
Ở phương Tây phổ biến
nhất là truyện Vua Xa-lô-mông xử kiện:
Có hai người đàn bà
mang hai đứa trẻ: một sống một chết, đến nhờ vua Xa-lô- mông phân xử; người này
đổ cho người kia là mẹ của đứa con đã chết, tranh đứa con sống là con
của mình. Vua cất tiếng truyền cho lính chặt đôi đứa trẻ còn sống chia cho mỗi
người một nửa. Tức thời, một trong hai người đàn bà bỗng bật tiếng khóc. Thấy
thế, vua xử cho người ấy đúng là mẹ của đứa trẻ còn sống, sai trả con
lại và phạt tội người kia.
Người Khơ-me (Khmer)
có hai truyện:
Truyện thứ nhất
tương tự truyện Vua Xa-lô-mông xử kiện, nhưng kết cục có khác. Một
người đàn bà bế con đi tắm ở sông về. Dọc đường, gặp một bà khác mang xác một đứa
trẻ cùng trạc tuổi với con mình. Bà kia nói: "Con bà giống con tôi quá. Bà
làm ơn cho tôi ôm hôn cháu một tý". Thế rồi sau khi được bế, bà ta nhất định
không chịu trả nữa. Việc đưa lên vua. Vua sai đặt đứa bé sống nằm ngửa
ở giữa, hai bà ngồi hai bên, rồi ra lệnh cho ai giật được thì đứa bé về người ấy. Hai bà vội vàng giành nhau, cố cướp cho được đứa bé. Nhưng trong đó có một
bà giằng xé dữ dội, không kể da thịt non nớt của nó. Trái lại, bà kia thì gượng
nhẹ hơn. Vua đủ chứng cớ để thấy rõ ai là mẹ thật của đứa bé sống.
Thứ hai là truyện
phân xử một chiếc ô: một người đi đường tay cầm một cái ô che nắng. Đi được một
quãng, gặp một người thứ hai đi không, hắn cho che chung ô. Được một chốc, người
kia xin cầm lấy ô. Đến chỗ rẽ, chủ ô đòi lại, thì người kia làm bộ ngạc nhiên
nói ô này là của mình. Việc đưa lên quan, quan không xử được. Đưa lên vua, vua
sai chẻ đôi chiếc ô cho mỗi người một nửa. Sau đó vua bí mật sai hai người hầu
lén theo mỗi người về nhà để nghe ngóng. Người hầu thứ nhất đi về kẻ lại rằng:
"Lúc đến nhà, vợ hắn chạy ra hỏi: - Sao chỉ còn có một nửa ô thôi? Hắn
khóc lóc kể lại chuyện bị cướp ô cho vợ nghe". Còn người hầu thứ hai về, kể:
"Khi về đến nhà vợ hắn hỏi: - Kìa sao lại nhặt được nửa cái ô ở đâu về thế?
Hắn đáp: - Tao chơi cho họ một vố và tao đã thắng được nửa cái ô..."
Vua lập tức cho đòi
hai người kia đến, kể tội, và bắt người thứ hai phải đền cho người thứ nhất cái
ô mới.
Trong Bao Công
kỳ án cũng có truyện Cướp ô giống với truyện Khơ-me, nhưng kết cục
phân xử có những nét độc đáo:
Sau khi Bao Công hỏi
dấu vết chiếc ô, cả hai người tranh giành ô đều nói, vì ô là vật nhỏ mọn nên
không có dấu vết. Bao Công cũng sai chẻ đôi chiếc ô cho mỗi người một nửa, rồi
cũng cho sai nha đi theo để dò la. Sai nha về báo lại: một người ra khỏi công đường
chửi quan là hồ đồ. Bao Công sai gọi cả hai trở lại, kết cả hai vào tội chửi
quan. Một người đáp: - "Con đâu dám, chính nó chửi đại nhân, có dân phố chứng
kiến". Bao Công cho người đi điều tra, quả đúng như lời hắn nói. Lập tức
ông can vặn hắn như sau: - "Trong hai người, thế tất có một người oan nên
oán trách ta, điều đó ta tha thứ. Còn mày là đứa che nhờ ô của nó rồi
cướp giật, nay được nửa chiếc ô nên không oán thán gì". Tên kia cứng họng.
Bao Công bắt hắn đền gấp đôi giá trị chiếc ô, và sai đánh bốn chục gậy vào
mông.
Về tình tiết tát vào
má người bị mất trộm, một truyện Mẹ chồng đổ tội cho nàng dâu có lẽ gốc
từ Trung-quốc, cũng có đề tài tương tự, tuy kết cấu có khác.
Ở Thái-nguyên, có mẹ
chồng và nàng dâu ở cùng một nhà, cả hai đều góa chồng. Trong khi nàng dâu giữ
tiết, thì mẹ chồng lại lén lút đi lại với một người làng. Nàng dâu biết,
tìm cách ngăn ngừa, bị mẹ chồng ghét, muốn đuổi khỏi nhà. Bèn lên
quan vu cáo rằng nàng dâu đón trai về nhà. Quan hỏi tên, mẹ chồng bảo
phải tra tấn mới biết được. Hỏi nàng dâu, nàng dâu chỉ đích danh người tình của
mẹ chồng. Hỏi người này thì anh ta chối, nói vì mẹ chồng nàng dâu
không ưa nhau nên kiếm điều nói xấu cho nhau. Đến khi bị tra tấn, anh ta lại
khai rằng mình đi lại với nàng dâu. Quan sai gông nàng dâu lại, nàng dâu kêu
oan và kiện lên tỉnh. Lâu rồi vụ án còn treo lại đó.
Hồi ấy có ông tiến
sĩ họ Tôn làm tri huyện huyện Lâm Tấn. Quan tỉnh giao vụ kiện cho quan huyện bảo
phân xử. Đến lỵ sở, quan lấy khẩu cung rồi sai người đi kiếm gạch đá, dao phay
để sẵn chỗ tra tấn. Hôm sau đòi nguyên cáo bị cáo đến đối chất sơ qua, rồi quan
phán bảo: - "Không cần tra khảo cũng biết được ai gian. Mẹ con nhà này vốn
nhà tiết hạnh, chẳng qua mắc mưu tên này mới sinh chuyện. Nay ta cho phép mẹ con
được trả thù đứa gian nhân, có gạch đá và dao đây, mẹ con muốn ném,
muốn đâm, muốn chém như thế nào mặc ý, có ta đây chịu, đừng có lo gì cả!".
Cả hai người đến chỗ đống gạch đá. Trong khi nàng dâu vì căm thù chứa chất nên
lấy những hòn đá lớn mà ném, thì mẹ chồng lại nhặt những hòn đá nhỏ quăng nhẹ
vào chân. Quan bảo mụ cầm dao mà đâm, tội vạ mình chịu, thì mụ từ chối.
Quan có đủ chứng cớ
để kết thúc vụ án.
Người It-xra-en
(Israël) có truyện Ba anh em và thây người bố:
Một người bố chết
đi, để lại một con đẻ và hai con nuôi, trước khi chết trối trăng lại gia tài
cho con đẻ. Vì không một ai nhận ra người nào là con đẻ, người nào là con nuôi,
cho nên ba anh em tranh nhau đòi kiện lên quan, ai cũng tự cho mình là con đẻ.
Quan cho treo thây người bố lên và giao cho mỗi người một mũi tên, bảo ai bắn
đúng chỗ phạm nhất thì được. Người thứ nhất bắn vào giữa trán, người thứ hai bắn
vào giữa tim, chỉ có người thứ ba khóc, không bắn. Quan có lý do để nhận ra người
nào là con đẻ.
Đọc thêm♒♒♒
Danh sách truyện cổ tích Việt nam
Đọc thêm♒♒♒
Danh sách truyện cổ tích Việt nam
Comments
Post a Comment