Ngày xưa có hai vợ
chồng một người phú hộ hiếm hoi; mãi đến khi tuổi già xế bóng, người vợ mới có
mang. Hai người bụng mừng khấp khởi nhưng đến khi giở dạ đẻ ra thì không phải
người mà là một con cóc. Cả nhà toan đem ném đi cho khuất mắt. Bỗng cóc cất tiếng
nói: - "Đừng ném con đi, cứ để lại, con cũng làm được việc". Rồi cóc
"một mẹ hai mẹ" luôn luôn làm cho mọi người vui
lây. Thế là vợ chồng phú ông đành lòng nhận cóc làm con. Lớn lên cóc hay lam
hay làm. Nó thường trò chuyện mua vui cho cả nhà, lại chăm sóc mọi việc
giúp đỡ bố mẹ.
Hồi ấy ở gần làng có
anh học trò nghèo, bố mẹ chết sớm. Hàng ngày anh cắp sách sang làng bên cạnh học
ở trường cụ đồ Lê. Một hôm, qua đám ruộng lúa chín vàng rất đẹp mắt, thuận tay,
anh cúi xuống bờ ngắt một bông để cắn chắt. Bỗng nghe một giọng nhỏ nhẹ từ phía
góc ruộng phát ra:
- Chàng ơi
chàng,
Sao chàng lại ngắt
lúa vàng nhà em.
Giật mình, anh nhìn
quanh nhìn quất hồi lâu nhưng chẳng thấy một ai cả. Cho rằng tai mình nghe nhầm
nên anh lại tiếp tục đi học.
Chiều hôm ấy khi trở
về đám ruộng cũ, anh lại cúi xuống chọn một bông lúa khác. Nhưng vừa ngắt xong
thì câu nói mà ban sáng anh đã được nghe, bấy giờ lại từ dưới ruộng vọng
lên. Lần này thì anh hết sức sửng sốt. Anh nhìn đi nhìn lại khắp nơi, lại lội
xuống ruộng cố tìm quanh quẩn ở chỗ phát ra tiếng nói. Nhưng anh chẳng thấy gì
hơn là một con cóc đang ngồi chồm hổm trên một mô đất cạnh một bụi lúa. Anh hỏi
bâng quơ:
- Vừa rồi cóc
nói hay là ai?
- Chính em nói đấy!
Rồi cóc thong thả kể
tiếp cho anh biết tên tuổi, quê quán và bố mẹ mình. Đoạn lại nói thêm:
- Vì đám ruộng
lúa nhà em chín sớm, lại ở bên đường cái, nên bố mẹ sai em ra đây canh giữ ban
ngày. Xin anh khóa về nhà kẻo muộn, và từ nay đừng ngắt lúa nhà em.
Nghe giọng nói của
cóc trong trẻo, dịu dàng, thái độ lại chân thật, vui vẻ, anh học trò bụng hảo dạ:
- "Xấu hình nhưng tốt nết, thật là ít có!". Mấy lần qua lại đám ruộng,
anh đều thấy cóc đón chờ mình trò chuyện. Dần dần anh đâm ra phải lòng cóc.
Thế rồi, anh quả quyết
nhờ mối đến nhà phú hộ để dạm cóc làm vợ. Đang lo con gái mình không có ai tưởng
đến, nay bỗng có người tử tế đến dạm, hai vợ chồng ông lão sốt sắng nhận lời và
tỏ ý chịu mọi phí tổn cưới xin. Ngày đưa dâu, cóc lạch hạch theo về với chồng.
Tin anh học trò lấy
cóc chẳng bao lâu bay ra khắp nơi làm đầu đề cho những câu chuyện mua cười ở
các gia đình. Ở nhà trường cụ đồ Lê, những người bạn học của anh luôn luôn xì
xào dè bỉu: - "Chắc là vì hắn tham của". Họ đoán như vậy và họ tìm đủ
cách để cho anh bị nhục.
Nhưng mặc cho mọi
người gièm pha, anh học trò vẫn vui vẻ như không có việc gì xảy ra. Sau cùng, họ
quyết định làm cho anh một phen xấu hổ trước mặt thầy và bạn. Nhân nhà thầy sắp
có giỗ, họ bàn với trưởng tràng tổ chức một cuộc thi dọn cỗ. Mỗi người học trò
có vợ phải bảo vợ mình dọn một mâm cỗ dâng thầy, không được mượn người làm hộ.
Cỗ nào ngon nhất sẽ được thầy khen. Bày ra chuyện này, họ định bụng xem xem cô
vợ cóc của anh kia sẽ nấu nướng ra làm sao.
Biết như thế nên khi
trở về nhà anh học trò chỉ một mực thở dài. Cóc hỏi chồng vì cơn cớ gì mà buồn.
Ban đầu anh còn giấu quanh, nhưng sau vì vợ gạn hỏi mãi, anh đành kể lại cho
nghe câu chuyện.
Nghe đoạn, cóc bảo: - Tưởng
là gì chứ dọn cỗ thì em cũng không đến nỗi vụng về đâu. Chàng đừng lo gì cả.
Nghe và nói thế,
lòng anh cũng nguôi nguôi. Nhưng ngày một ngày hai, anh chẳng thấy vợ đi chợ sắm
sửa gì lại sinh ra lo lắng. Mãi đến ngày cuối cùng, trong khi anh đi học vắng,
cóc mới gọi các nàng tiên từ trên trời xuống, mỗi người một tay làm các món ăn.
Chỉ trong chớp mắt, trên giá mâm đầy các thứ nem, mọc, giò, chả, bung, xào, v.v... mùi
thơm phưng phức.
Chiều hôm ấy, anh học
trò đội cỗ đến nhà thầy mặc kệ những câu đùa nghịch quen thuộc của các bạn.
Nhưng họ không ngờ rằng sau khi nếm qua tất cả các cỗ, cụ đồ dừng lại bên cạnh
mâm của anh, tấm tắc khen: - Nấu ăn như người nào đây thật là
tuyệt. Có những món ăn chưa bao giờ ta lại thấy ngon đến thế.
Kết quả lần ấy anh học
trò thắng cuộc trước những con mắt ghen tỵ của bạn bè.
Ít lâu sau, nhân
ngày sinh nhật của thầy, bọn học trò lại bàn nhau mở một cuộc thi may
quần áo. Bộ quần áo nào mà thầy mặc vừa nhất và đẹp nhất sẽ được
trúng giải. Nhưng không được một ai đo vào người thầy, và áo quần thì phải do vợ
học trò may chứ không được thuê thợ. Bọn họ bảo nhau: - "Chuyến này, xem
thử cóc may vá ra làm sao cho biết".
Anh học trò lại bước
cao bước thấp trở về. Thấy mặt anh buồn, cóc lại thủ thỉ: - Có
việc gì mà chàng có vẻ không vui?
Anh lại kể cho vợ
nghe ý định của các bạn học. Nghe đoạn, cóc tươi cười: - Tưởng là gì, chứ may vá thì em đây cũng không đến nỗi vụng về. Chàng đừng
có lo gì cả.
Ngày hôm sau, đợi
lúc chàng cắp sách ra khỏi cổng, cóc bèn vào buồng đóng kín các cửa lại rỗi hóa
phép biến thành một con ruồi, ruồi bay ra đuổi theo chồng bám vào cổ áo. Khi đến
trường, giữa lúc cụ đồ Lê bước ra giảng bài, ruồi ta bay đậu lên vai, lên cổ,
lên lưng và lên mọi nơi trên áo quần cụ đồ, nhẩm thuộc tất cả kích tấc rồi mới
bay lộn trở về.
Chiều hôm ấy, anh học
trò đi học về đã thấy một bộ quần áo xếp gọn để ở đầu giường. Anh giở ra xem:
đường kim mũi chỉ khó có ai ăn đứt. Nhưng anh chỉ lo không biết thầy mặc có vừa
hay không.
Hôm sau là ngày nạp
lễ, anh mang bộ quần áo đến trường, giữa lúc ấy các bạn anh đang giở áo quần
cho thầy mặc thử. Nhưng chẳng bộ nào thầy mặc xứng ý: được quần thì hỏng
áo, hay được áo lại hỏng quần. Anh học trò đưa bộ quần áo của mình cho thầy mặc
thử sau cùng. Cụ đồ mặc vào thật là vừa vặn, áo cũng như quần không chê được một
chỗ nào. Cuối cùng mọi người tiu nghỉu vì anh lấy vợ cóc đáng lý là cái đích để
mà cười thì không ngờ lại trúng cuộc. Song họ vẫn chưa từ bỏ ý định trêu ghẹo anh.
Ít lâu sau nữa, nhân
có hội mùa xuân, bọn học trò lại bàn nhau xin cụ đồ cho mở một cuộc thi vợ đẹp.
Hẹn chiều hôm sau mỗi người phải thân hành đưa vợ mình đến cho thầy chấm giải.
Bọn họ bảo nhau: - "Lần này thì tha hồ mà cười cho vỡ bụng!".
Thật là một tin
không hay cho anh chàng lấy vợ cóc. Anh cảm thấy tê tái và phải cố gắng lắm mới
bước về được đến nhà. Thấy chồng nằm dài trên giường chẳng nói chẳng rằng, cóc
gạn hỏi mãi mới biết được sự thật. Chồng kể xong, nói tiếp:
- Bắt nàng đến
trường để thi... Chúng nó thật là ác độc! Nhưng cóc thì vẫn tươi tỉnh:
- Chàng đừng
lo. Thiếp xin vì chàng đến trường chào thầy và các bạn của chàng. Dầu thiếp xấu
xí nhưng cũng có chỗ sánh được với người. Đừng ngại!
Chiều hôm sau, lúc
anh học trò bước đi thất thểu đến trường thì cóc cũng lạch bạch nhảy theo chân.
Mặt anh đỏ dừ, vừa ngượng vừa thương vợ. Anh cúi đầu không dám ngoảnh cổ
nhìn mọi người. Cóc vẫn bình tĩnh nhảy theo chồng. Lúc sắp đến trường, cóc bảo:
- Chàng đợi thiếp
một lát!
Nói xong cóc nhảy
ngay vào một bụi cây rậm bên đường. Anh học trò vội chạy đến bụi cây rình xem.
Nhưng chưa kịp ghé mắt nhìn, đã thấy từ bụi cây bước ra một cô gái da trắng môi
son, mày ngài mắt phượng làm anh ngơ ngác. Ngoảnh vào bụi anh thấy một
tấm da cóc vứt lại một đống lù lù ở gốc cây. Hiểu ra đó là lốt của vợ mình, lập
tức anh chạy vào xé nát tấm da.
Rồi đó hai vợ chồng
sánh vai bước vào cổng trường lúc bấy giờ đã chật ních những người. Mọi con mắt
đều tròn xoe kinh ngạc vì vợ anh học trò mà họ tưởng là cóc, thì lại là người
so với mọi người đàn bà khác như trời với vực. Quả đó là một vị tuyệt thế giai nhân.
Từ đó hai vợ chồng
quấn quýt với nhau không rời.
Hết
KHẢO DỊ
Người Nghệ-an có
truyện Vợ cóc là một dị bản của truyện trên nhưng không nói tới các
cuộc thi, cũng không nói tới việc cóc đi canh lúa:
Vợ chồng một nhà nọ
sinh được một con cóc và nuôi đến chín mười năm. Một hôm cả nhà đi vắng, cóc ở
nhà hóa thành một người con gái xinh đẹp ngồi dệt vải lại dọn dẹp trong nhà sạch sẽ. Có
một bọn học trò đi qua, cô gái đẹp ra cửa têm trầu mời khách ăn. Nhưng đến khi
họ vào thì không thấy cô gái đẹp đâu nữa, mà chỉ thấy một con cóc,
bèn bỏ di. Riêng có một anh học trò trong số đó, lúc về giục mẹ đi hỏi: -
"Nó là cóc, con lấy làm gì?" - "Mẹ cứ hỏi cho con đi". Bố mẹ
cóc nhận lời gả con, không đòi hỏi gì. Ngày đưa dâu chẳng mấy ai dự, người ta bỏ
cóc vào võng đưa về. Ai cũng chê cười: - "Người mà lấy cóc!". Nhưng đến
đêm thì cóc hóa thành người, sáng dậy lại trở lại hình dạng cóc. Được ba ngày,
chồng bảo vợ: "Người ta cười quá lắm, nàng phải làm cho họ thôi cười mới
được". Cóc bèn hóa thành người ra mắt bà con làng xóm. Bố mẹ chồng thấy thế
mừng quá, giết trâu bò mời họ mời làng. Người ta nói: "Ăn cưới không bằng
lại mặt" là thế.
Một truyện khác phổ
biến ở miền Nam là truyện Nàng Út có một số tình tiết giống và khác với
truyện Lấy vợ cóc:
Hai vợ chồng nhà nọ
hiếm con, hết lời cầu xin đức Phật để có một đứa. Người vợ sau đó tự nhiên có
mang và đẻ ra ở đằng trán một cô bé bằng ngón tay nên đặt tên là Nàng Út. Cho
là quái, bố mẹ chỉ những muốn vứt bỏ đi đâu cho khuất mắt. Một hôm, người bố
đưa Út lên rừng sâu, bảo Út đứng chờ một chỗ, chờ chặt củi xong thì sẽ mang về.
Nhưng sau đó ông ta theo đường khác lẻn về, bỏ con lại. Út cứ chờ bố hết ngày
này qua ngày khác. Trước đó có một con quạ ăn dưa nhả hạt ở gần chỗ Út đứng. Hạt
mọc thành cây. Út dùng lá dưa như một thứ mái để che sương gió. Cây có quả, Út
nâng niu quả dưa, định bụng dành cho bố.
Bỗng có một hoàng tử
đi săn qua đấy thấy quả dưa chín bèn hái ăn, quẳng vỏ lại. Út ăn dưa thừa, tự
nhiên có mang, đẻ ra một đứa con trai cũng bé xíu như mẹ nó.
Hai mẹ con ở trên cây đa. Sau đó một hôm nhớ tới quả dưa ăn lần trước,
hoàng tử bèn tìm đến khu rừng cũ. Trông thấy mẹ con Út, hoàng tử bỏ cả vào hai
túi đua về cung rồi lấy Út làm vợ. Vua cha thấy thế giận lắm, tìm
cách chia rẽ.
Một hôm vua ra lệnh
cho các cung nữ, ai may áo cho vua vừa vặn thì sẽ cho làm vợ hoàng tử. Bộ quần
áo vua mặc vừa vặn và đẹp nhất là của nàng Út. Vua lại ra lệnh ai dọn cỗ mà vua
nếm thấy ngon thì được làm vợ hoàng tử. Cỗ ngon nhất lại là của Út. Vua lại
sai mở hội trong cung thi sắc đẹp, kén vợ cho hoàng tử. Trong khi
hoàng tử lo lắng thì Út lập đàn cầu trời. Thần hiện xuống làm cho nàng lớn lên
như người thường, nhan sắc tuyệt vời. Vua hài lòng cho phép hoàng tử
lấy Nàng Út.
Đồng bào Tày (Thổ)
có truyện Kim Quế:
Nàng Kim Quế, con
gái đức Phật Thiên đàng vì tính tình phóng túng nên bị đày xuống trần, nhưng lại
sinh lạc vào xã hội loài khỉ. Tuy vậy, nàng vẫn có tài nghệ hơn đời, thường
ngày chẻ tre đan chiếu, chiếu đẹp như lụa thêu, gấm dệt.
Một hôm có bà lão tới
nhận đem chiếu đi bán, bà lão bán cho hoàng tử Chúa Ba. Thấy chiếu đẹp, Chúa Ba
lên rừng để gặp. Sau khi trò chuyện, mới biết tuy rằng đội lốt khỉ mà là người
tiên, bèn rước về cùng nhau ăn ở như vợ chồng.
Muốn trêu tức Chúa
Ba, vua ra lệnh cho hoàng tử phải làm cỗ yến, ngon thì sẽ nhường ngôi cho. Kim
Quế nhờ chị em tiên xuống làm hộ nên cỗ Chúa Ba được giải nhất. Lần thứ hai thi
may áo, lại đoạt giải nhất, nhờ sai ruồi vào cung đo người vua. Lần thứ ba thi
vợ đẹp, Kim Quế gọi tiên nữ xuống mang "nha linh đơn" để tắm. Tắm
xong, khỉ biến thành người đẹp, lại chiếm giải. Kết quả, Chúa Ba được vua nhường
ngôi.
Đọc thêm♒♒♒
Danh sách truyện cổ tích Việt nam
Đọc thêm♒♒♒
Danh sách truyện cổ tích Việt nam
Comments
Post a Comment