Vào đời nhà Trần ở
châu Ái có một chàng trẻ tuổi tên là Từ Thức. Chàng vốn con nhà quan. Năm 20 tuổi
nhờ học giỏi thi đỗ cao, chàng được bổ một chân tri huyện ở một huyện vùng Bắc.
Khác với bọn quan lại khác, Từ Thức vốn là người phóng khoáng, không chịu ràng
buộc vào khuôn phép. Chàng lại không thích những chuyện nịnh trên, nạt dưới, mà
chỉ thích uống rượu ngâm thơ, và đi chơi ngắm cảnh. Ở gần vùng Từ Thức trị nhậm
có một ngôi chùa lớn. Trước sân và xung quanh vườn trồng toàn một loại
cây mẫu đơn. Mỗi năm vào khoảng tháng giêng là mùa hoa nở rộ, cũng là
kỳ cúng Phật. Nhân dịp đó, các thiện nam tín nữ các nơi đua nhau về chùa lễ Phật
và ngắm hoa. Vì thế người ta cũng gọi là hội xem hoa hay là hội mẫu đơn.
Một năm vào kỳ hội
xem hoa, Từ Thức cũng có cái hứng đi hành hương ngắm cảnh. Để khỏi làm kinh động
dân chúng, Từ Thức cải trang thành một người học trò. Chàng cũng không cho mang
lính hầu và cáng xá đi theo. Hồi này các chùa chiền được triều đình vì nể, nên
có những bọn sư sãi ỷ thế hoành hành. Để bảo vệ hoa, chùa này đặt ra một cái lệ
ai bẻ hoa hoặc là gãy cây sẽ bị phạt vạ một số tiền. Nếu không có tiền
thì nhà chùa sẽ bắt làm nô để đền nợ. Ngày hôm ấy có một cô gái đi xem hội vô
tình không biết lệ nhà chùa, thấy có hoa đẹp ở cạnh lối đi bèn rón tay ngắt một
bông. Thấy vậy, bọn thủ hộ trong chùa xông ra bắt giữ lại đòi tiền vạ. Cô gái
thú thực là mình đi xem hội không mang tiền theo nên không biết lấy gì đền.
Nghe nói thế, bọn thủ hội liền sai trói cô gái vào cột chùa cốt để làm nhục, vặn
cho ra tiền chuộc.
Vừa lúc ấy Từ Thức
tiến vào cổng chùa. Thấy một người con gái yếu ớt bị bọn vũ phu lăng nhục, Từ
Thức không ngăn được cơn giận dữ. Chàng sán đến đòi cởi trói cho cô gái. Bọn thủ
hộ nhất định không cho và chỉ vào mặt chàng:
- Này, nếu
không có đủ một quan tiền chuộc thì anh chớ có động đến dây trói mà sinh chuyện
rầy rà đấy.
Nghe chúng thách thức,
cơn giận của Từ Thức bừng bừng bốc lên. Đã toan dùng đến chức vị của mình để trị
bọn bất lương, nhưng rồi chàng lại kịp gạt đi vì chẳng muốn làm to chuyện.
Không nghĩ ngợi, chàng cởi phăng chiếc áo ngoài vứt cho bọn thủ hộ để chúng trả
tự do cho cô gái. Dây trói vừa cởi, cô gái ngỏ lời cảm tạ Từ Thức. Thấy nàng
xinh đẹp lại bạo dạn, Từ Thức cũng muốn làm quen. Chàng hỏi:
- Nhà nàng ở
đâu? Tôi nghe giọng nói hình như không phải là người vùng này. Cô gái đáp:
- Quê thiếp ở tận
trong châu Ái huyện Tống-sơn...
Không ngờ người đẹp
lại là người cùng quê, Từ Thức càng thêm niềm nở. Hai người men theo lối cổng
chùa, vừa đi vừa ngỏ ít lời lâm sự. Trước khi từ giã, nàng còn không quên mời chàng
đến chơi nhà nếu có dịp về thăm quê.
Vẫn không ưa cái nghề
roi vọt trị dân, Từ Thức thường bị bọn quan trên hạch tội. Một lần vì để vụ thuế
chậm trễ, chàng bị viên an phủ gọi đến quở mắng nặng lời. Chàng than:
- Ta há vì mấy
bó thóc mà chịu nhục như thế này ư!
Lúc trở về huyện lỵ,
lập tức chàng cởi bỏ ấn tín treo ở trước mái công đường, rồi bỏ đi biệt. Chàng
đi thẳng về quê nhà thăm bố mẹ và bà con làng nước. Ở nhà được ít lâu, nhớ đến
lời mời của cô gái trong hội xem hoa, Từ Thức liền cất công ra đi. Theo lời chỉ
dẫn, chàng lặn lội tìm kiếm, nhưng bóng chim tăm cá mịt mù. Vùng Tống-sơn có
bao nhiêu cảnh đẹp, chàng đều có để lại dấu chân và những bài ca vịnh, vậy mà
chàng vẫn ân hận không gặp lại người đẹp năm xưa. Mặc dầu vậy, Từ Thức vẫn
không nản lòng.
Một hôm trên đường
đi tìm, từ sáng sớm, Từ Thức đã trèo lên núi cao nhất ra giữa cửa Thần-phù. Tự
nhiên trước mắt chàng hiện lên một hòn đảo trông y như một đóa hoa
sen giữa vùng biển cả. Say sưa nhìn ngắm, chàng bèn dong buồm ra khơi. Chẳng
bao lâu thuyền đã ghé đảo. Đang mê mải nhìn, chàng bỗng thấy ở sườn núi đá gần
đó có một cửa hang khá rộng. Bèn vin cây rẽ cỏ tìm đến tận nơi. Vừa bước vào
hang được một quãng, thì bỗng dưng cửa hang tối sầm lại. Từ Thức vẫn cứ sờ soạng
bước liều. Đi một đoạn nữa thình lình lại thấy có ánh sáng. Trông ngược lên thấy
núi cao chót vót, đá mọc lởm chởm. Khi leo lên đến đỉnh thì Từ Thức bỗng thấy cả
một tòa nhà lộng lẫy hiện ra trước mặt. Chưa hết ngạc nhiên trước cảnh lạ,
chàng bỗng thấy bóng hai người con gái nhỏ mặc áo xanh. Một người nói: - Chú
rể mới nhà ta đã đến kia kìa!
Chàng hết sức bỡ ngỡ
nhưng vẫn bạo dạn đi theo hai cô gái. Trên đường đầy hoa thơm cỏ lạ. Đi một chốc
thì đến lâu đài. Vừa bước lên thềm Từ Thức đã thấy một người đàn bà dáng quý
phái ra đón. Bà tươi cười bảo chàng:
- Đây là hang thứ sáu trong ba mươi sáu hang động ở cõi tiên. Từ lâu ta cai quản thế giới này. May mắn hôm nay lại được đón người trẻ tuổi phong nhã và chí tình. Thế nào, cảnh trí ở đây có làm cho du khách ưa thích không?
- Đây là hang thứ sáu trong ba mươi sáu hang động ở cõi tiên. Từ lâu ta cai quản thế giới này. May mắn hôm nay lại được đón người trẻ tuổi phong nhã và chí tình. Thế nào, cảnh trí ở đây có làm cho du khách ưa thích không?
Thấy Từ Thức gật đầu,
người đàn bà lại nói: - Khoan đã. Để còn cho gặp một người quen cũ.
Đoạn, ra hiệu cho
người hầu gái đi gọi. Chốc sau, một cô tiên từ trong hành lang bước ra, dáng
thướt tha kiều diễm, mỉm cười chào chàng. Từ Thức nhìn kỹ thì ra đấy là cô gái
bẻ hoa mẫu đơn năm nào. Chàng mừng rỡ nói to:
- Ô hay tôi đi
tìm nàng khắp nơi mà không thấy, không ngờ lại gặp ở đây! Câu chuyện
từ đấy trở nên thân mật đậm đà hơn. Bà chúa động nói:
- Em nó tên là
Giáng Hương. Ngày trước đi xem hội mẫu đơn không may gặp rủi ro, nhờ có chàng tận
tình cứu giúp. Âu đó cũng là duyên trời. Chàng đã có lòng cất công đi tìm, nay
đến gặp nhau, hãy mở tiệc hoa để phỉ lòng khao khát.
Từ Thức thấy không
gì đẹp lòng hơn thế nữa. Lập tức đêm hôm ấy trong bữa tiệc tưng bừng có quần
tiên tụ hội, hai người chính thức làm lễ giao bôi. Khách tiên từ các động vui vẻ
cạn chén chào mừng chàng rể mới đến nhập tịch làng tiên, và chúc tụng cuộc tình
duyên tốt đẹp của hai người.
Ngày lại ngày nối
nhau trôi qua, Từ Thức làm rể cõi tiên bấm đốt ngón tay đã được ba năm. Cuộc đời
mới hoàn toàn khác với cảnh sống trần gian ngày trước. Cơm ăn áo mặc và mọi vật
dụng cần thiết, chàng đều có sẵn, không thiếu một thứ gì. Sắc đẹp tuyệt vời,
tính nết hiền dịu của Giáng Hương luôn luôn làm cho chàng thỏa dạ. Chàng lại được
đi ngao du các động tiên, thơ ngâm vịnh làm ra thao thao bất tuyệt. Tuy nhiên,
lâu dần, Từ Thức lại thấy như thiếu một cái gì, một hôm chàng tâm sự với Giáng Hương:
- Xa cha
ngái mẹ đã lâu, muốn về thăm một chuyến có được chăng? Thấy vợ ngần
ngừ chàng nói thêm:
- Chỉ cho về gặp
bà con xóm làng một lần chót, rồi tôi sẽ đến đây ở với mình mãi mãi.
Giáng Hương thủ thỉ
khuyên dỗ chồng hãy bỏ cái ý nghĩ trở về vì cõi tục và cõi tiên là hai con đường
cách biệt. Nhưng Giáng Hương càng khuyên bao nhiêu thì nỗi nhớ nhà của Từ Thức
càng nặng bấy nhiêu. Thấy chồng tuy không đòi về nữa nhưng nét mặt ngày
một héo hon. Giáng Hương đành phải thưa với mẹ. Mẹ nàng thương hại:
- Không ngờ gã ấy
còn lưu luyến bụi hồng đến thế!
Nói rồi cho người đẩy
xe mây đến cho Từ Thức trở về. Chàng vội vã từ giã vợ và mẹ vợ, từ
giã các bạn tiên, rồi bước lên xe. Chỉ trong chớp mắt, chàng đã thấy lại quê
hương cũ. Các rặng núi, con sông, những lũy tre dưới mắt chàng vẫn
không có gì khác xưa. Xe đặt chàng xuống giữa một bến sông, nơi mà ngày còn nhỏ
chàng vẫn ra đấy tắm mát và bơi lội. Nhưng khi nhìn kỹ cảnh vật thì Từ
Thức lấy làm ngờ ngợ. Mới ba năm mà nhà cửa vườn tược làm sao đã khác. Dân làng
cũng chẳng có một người nào quen mặt. Hỏi một người đi đường, người ấy cho biết
đúng là tên của làng chôn rau cắt rốn của mình. Nhưng khi hỏi đến bố mẹ và em
gái thì ai cũng lắc đầu trả lời không biết.
Sau cùng, Từ Thức
đem họ tên của mình hỏi thăm các cụ già trong làng, thì một người ngẫm nghĩ hồi
lâu rồi đáp:
- Từ lúc còn nhỏ,
tôi có nghe truyền lại rằng các cụ tổ năm đời nhà tôi có một cụ cũng
tên họ như thế, trước làm quan huyện rồi treo ấn từ về, một hôm đi chơi sa vào
hang núi mặt tích. Từ bấy đến nay dễ đã gần ba trăm năm.
Nghe kể chuyện, Từ
Thức mới thấm thía lời nói của vợ. Chàng bùi ngùi đứng nhìn cây đa mình trồng đầu
ngõ bây giờ đã thành cổ thụ, cây to hàng vầng, cành lá rườm rà, rễ buông từng
chùm chi chít. Chàng thẫn thờ trước đám đông đang vây quanh mình. Sau cùng Từ
Thức trở lại chỗ xe mây, thì không ngờ xe đã biến mất từ lúc nào. Buồn rầu vô hạn,
chàng lại khăn gói lần mò đến cửa Thần-phù, định bụng tìm lại
hang cũ dẫn đến động tiên nhưng mịt mù cây đá kín lối
không thể tìm ra được nữa. Chàng đi, đi mãi, về sau không biết là đi dâu. Từ đấy
người ta gọi hang núi ở chỗ này là động Từ Thức.
Hết.
KHẢO DỊ
Một số chi tiết của
truyện trên, có sách kể hơi khác. Ví dụ như đoạn hội xem hoa:
Nhà vua một hôm định
xây một cái thành trên một cánh đồng xa kinh đô. Tự nhiên ở chỗ ấy mọc lên một
cây không biết là cây gì có hoa lất lạ, vừa đẹp vừa thơm. Các quan định đem
dâng vua, bèn sai quân lính canh gác rất kỹ. Tiếng đồn khắp nơi nên dân chúng
kéo về xem rất đông. Có cô tiên Giáng Hương ở một hòn đảo bốn bề đá dựng
ngoài biển khơi nghe tin, cũng về xem. Tiên sờ vào hoa không may hoa rụng, liền
bị lính bắt.
Hay đoạn nói về lý
do Từ Thức đòi về cõi trần:
Một hôm chúa tiên
cùng quần tiên lên chầu thượng đế ăn tiệc bàn đào. Khi ra đi có dặn các tiên đồng
không được cho Từ Thức ra cửa sau. Nhưng Từ Thức nghe lỏm được, tò mò lén ra cửa
sau để xem cho biết, ra xem thì nhìn thấy cõi trần. Dưới đó, mọi người đang làm
ăn vui vẻ, Từ Thức bỗng động lòng nhớ nhà. Lúc chúa tiên và quần tiên về, ông
bèn xin về thăm quê v.v...
Người Nhật có truyện Người
câu cá trẻ tuổi hình tượng phần nào giống với truyện Từ Thức và
truyện Giáp Hải
Một người câu cá ở tỉnh
Tăng-gô một hôm gặp một em bé bắt được một con rùa nhỏ, thấy nó nghịch ngợm làm
tội con rùa, bèn đến để xin tha. Xin không được, anh xuất tiền ra mua. Thả
xong, hôm sau đi câu, anh bỗng nghe rùa gọi tên mình. Hỏi thì nó mời
anh xuống thủy phủ để đền ơn cứu mạng. Rùa đang bé bỗng hóa thành to lớn, cho
anh ngồi lên lưng và đưa anh xuống nước.
Vua Thủy là cha rùa
tiếp đãi rất hậu. Được vài ngày, anh nhớ nhà xin về. Cha con vua Thủy lưu lại
không được, bèn tặng anh một hộp quý, dặn đừng mở sẽ ân hận. Anh lại trèo lên
lưng rùa trở về làng. Lên đất không thấy bố mẹ, gặp ai anh cũng lạ cả. Mãi sau
có một người nghe anh xưng tên mới nói. - "Tôi nghe bà nội tôi kể chuyện
trước đây bảy trăm năm ở làng này có một người câu cá trẻ tuổi tên là
U-ra-si-ma Ta-rô, một hôm ra khơi không thấy về".
Buồn rầu anh ngồi lại mở
hộp ra xem. Chỉ thấy một làn khói nhẹ bay ra phả vào mặt. Bỗng chốc anh soi
bóng thấy mình trở thành già khọm da mồi tóc bạc.
Có hai truyện khác của
ta cũng có nhan đề là Từ Thức, nhưng nội dung khác truyện trên kia.
1. Một người đàn bà ở
Ninh-bình bị hổ bắt vào rừng buộc phải ăn nằm với hổ, sau yên lành trở về, đẻ một
con trai đặt tên là Từ Thức. Lên mười tuổi, Từ Thức có sức mạnh, giỏi võ, nhưng
không chịu làm quan mà bỏ vào hang Thần-phù đi tu. Tu được mười lăm
năm tự nhiên hóa hổ, đầu là hổ nhưng tay chân mình mẩy còn là người, thường khi
gầm như tiếng hổ. Hổ bắt thú vật ăn sống nhưng vẫn có ý thức như người. Trở về
với cha mẹ ngày ngủ đêm đi lùng bắt con mồi cho cha mẹ bán lấy tiền. Một đêm nọ
đi bắt nai, không ngờ có một tướng cướp là Quản Nhất Tiền nghe tiếng Từ Thức gầm, sợ quá chết giấc. Nhờ vậy quan mới bắt được
cướp.
2. Một người tên là
Từ Hàn ở Thanh-hóa vốn tốt bụng chăm làm việc công ích, được mọi người gọi là
Thiện sĩ, một hôm mộng thấy thần cho một tượng đá, sau đó sinh ra Từ Thức. Lớn
lên chàng chăm học nhưng thi không đỗ. Một hôm đi chơi chùa
Hương-tích, gặp một nhà sư mời vào chùa.
Thấy chàng tỏ vẻ
hâm mộ cảnh chùa, sư bèn mời ăn hoa quả, ăn vào, chàng bỗng quên mọi
"tục lệ", lại được mời ra vườn ngắm cảnh. Ở đây Thức gặp một cô gái đẹp,
hai bên trò chuyện dần dần gắn bó. Cô gái cho biết mình là tiên, vốn có duyên nợ
với Thức. Bên rủ cùng về cung tiên học đạo trường sinh. Bùi tai, Thức vào động
cùng nàng. Từ đó người ta không biết chàng đi đâu.
Đọc thêm♒♒♒
Danh sách truyện cổ tích Việt nam
Đọc thêm♒♒♒
Danh sách truyện cổ tích Việt nam
Comments
Post a Comment