Ngày ấy, vùng đất mà
bây giờ là Trà-vinh còn là một vùng biển cả. Trên bờ biển, Người sống rất cơ cực.
Phật thấy vậy thương tình, bèn hóa phép làm cho biển nổi lên thành những giải đất
nối liền với bờ. Những giải đất này đặc biệt rất màu mỡ. Vì thế, Người dắt díu
nhau ra đây chăm chút làm ăn, lúa khoai lúc nào cũng đầy nồi, cuộc sống trở nên
vui tươi hơn trước.
Nhưng cũng ở vùng biển
này lúc bấy giờ có một con Chằn tinh sống lâu năm dưới nước rất hung ác. Nó thường
nổi lên khỏi mặt nước há cái miệng khổng lồ có thể lọt một lúc đôi ba
người. Bộ hạ của Chằn tinh gồm có thuồng luồng, cá sấu rất dữ tợn, ăn thịt người
và súc vật không biết chán.
Mỗi năm vào tháng mười,
dân cư trong hạt tổ chức một ngày lễ mừng hội mùa; trong ngày lễ có cuộc dâng
hoa để cám ơn đức Phật. Tại một ngôi chùa xây lên giữa đồng, dân chúng thường hội
họp đông đúc làm lễ cúng Phật. Sau đó, các nơi bày ra trò múa hát, đánh đu để
cho trai thanh gái lịch vui chơi. Ngày hội mùa năm ấy, giữa khi mọi người nô nức
về thì Chằn tinh cùng bộ hạ từ dưới biển mò lên tìm mồi. Thấy chúng,
ai nấy sợ hãi bỏ chạy tan tác. Chúng được thể mặc sức tung hoành. Chỉ có những
kẻ nấp trong chùa thì được yên ổn vì Chằn tinh rất sợ phép Phật.
Khi Chằn tinh và bộ
hạ no bụng rút đi thì những người còn sống sót cũng từ các nơi trốn tránh thất
thểu trở về. Cái cảnh cha mất con, vợ mất chồng, tiếng than khóc vang động khắp
nơi, không khí tang tóc bao trùm mọi ngả.
Cho đến mấy năm sau,
cuộc sống bình thường mới dần dần trở lại. Người lại ra sức hàn gắn những vết
đau thương. Nhưng Chằn tinh và bộ hạ vẫn không ngớt rình mò phá phách. Phật
thương Người luôn năm đau khổ bèn hiện ra, trao cho họ một lưỡi gươm và dặn:
- Cứ bạo dạn
lên! Nó không có gì đáng sợ cả.
Một lần, giữa lúc Chằn
tinh điên cuồng gầm thét, giữa lúc mọi người đang khiếp đảm, thì một tiếng nói
lanh lảnh từ trong chùa dội ra ngoài:
- Con quái vật!
Mày có chạy đằng trời!
Dứt lời, một người
đàn bà tay cầm gươm từ chùa xông ra, nhằm Chằn tinh mà chém. Chằn
tinh sải bước chân lên định nuốt tươi đối thủ nhưng hắn đã bị người
đàn bà chém xả một nhát đứt rời một chân. Bị thương, Chằn tinh kêu lên một tiếng rùng rợn,
rồi lết về biển. Lũ bộ hạ cũng vội vàng lao theo. Mọi người mừng rỡ đổ ra
xem người đánh đuổi được quái vật là ai. Thì ra đó là bà Am, một người đàn bà
hiền lành trong xóm làng.
Nhưng Chằn tinh vốn
có nhiều phép lạ. Dầu bị thương nặng đến đâu, hễ lê về đến sào huyệt, lội được
vào vũng nước thần, thì chỉ trong một đêm nó lại lành lặn, khỏe mạnh như cũ. Vì
thế, sáng hôm sau, ở chỗ chiếc chân đứt lìa của Chằn tinh đã có một chân khác mới
mọc. Nó lại kéo bộ hạ lên báo thù. Lần này, chúng đến với một khí thế dữ dội
hơn trước nhiều. Mọi người đành kéo nhau chạy trốn. Phật nghe lời Người khẩn cầu
lại hiện ra trao cho họ một quả cầu sắt và bảo:
- Hãy nung cho
đỏ và ném vào miệng Chằn tinh!
Thế rồi bà Am lại
can đảm đứng ra đương đầu với con quái vật để cứu dân làng. Giữa lúc Chằn tinh
cùng bộ hạ đang thi nhau đi tìm mồi thì bà đã đến sát trước mặt nó, lên tiếng
thách thức:
- Nếu mày
la to được như tiếng sấm thì ta sẽ bảo mọi người tới đây nộp mình. Chằn tinh đáp:
- Ta còn la to
hơn cả tiếng sấm nữa kia!
Dứt lời, nó há miệng
to bằng cái nong, hét lên một tiếng dữ dội. Bà Am nhanh như cắt ném quả cầu đã
nung đỏ tọt vào miệng hắn. Bị bỏng, Chằn tinh hết sức giãy giụa, cố khạc
quả cầu ác hại; lăn lộn mấy vòng rồi lê về sào huyệt của mình. Dân chúng đang
trốn nấp đây đó lại lũ lượt kéo ra, sung sướng reo mừng.
Nhưng khi về đến
vũng nước thần, Chằn tinh lại được bình phục. Vì vậy, qua hôm sau nó lại mò
lên. Lần này thì Phật đã bày cho người đào hố sâu cắm nhiều sắt nhọn, trên phủ
cỏ rác để đợi kẻ thù. Chằn tin và bộ hạ vừa nhô lên khỏi mặt nước đã đe dọa:
- Hôm nay quyết
không để cho chúng mày chạy trốn!
Nhưng lần này Người
cũng nhất định không chạy nữa. Họ đứng túm tụm sau lưng bà Am tay cầm sẵn lao
dài, có vẻ thách thức. Chằn tinh và bộ hạ ào ào kéo tới như một trận bão. Thế
nhưng muộn mất rồi, con quái vật và hộ hạ của nó đã sa xuống hố, chân và bụng
dính chặt dưới hố như bị đóng đinh, không thể tiến lui được nữa. Thế là tất cả
mọi người xông lại, kẻ đâm, người lao, giết chết chúng tại chỗ, con nào sống
sót cũng cuống cuồng chạy về biển sâu.
Từ đó Người trừ xong
nạn lớn. Chỗ cái hố chông do Chằn tinh quằn quại đã khoét sâu thành ao rộng
hàng chục mẫu, người ta gọi là ao Phật, cũng có người gọi là ao bà Am.
Xung quanh ao đất bốc lên thành những gò nhấp nhô, cũng có người gọi là gò Chằn
tinh.
Hết.
KHẢO DỊ
Lĩnh nam chích
quái có truyện Ngư tinh có một số hình ảnh gần gũi với truyện
trên:
Ngư tinh là một con
cá lớn sống lâu năm thành tinh thường đi lại vùng biển Đông. Nó đã làm hại
không biết bao nhiêu người, vật và thuyền bè. Chỗ ở của nó là một cái hang lớn
ăn thông xuống đáy biển. Long Quân bèn rèn một khối sắt, cho nung đỏ rồi chèo
thuyền đến cửa hang, giả cách ẵm một người lên như sắp ném cho Ngư tinh ăn thịt.
Ở dưới hang, Ngư tinh nghe tiếng động, quen thói nhô đầu lên và há miệng ra đón
con mồi. Không ngờ Long Quân ném khối sắt đỏ vào. Hắn tức giận cố khạc khối sắt
ra và chồm lên đánh lại Long Quân. Long Quân nhảy xuống nước đánh lại. Trận
đánh kéo dài ba ngày, cuối cùng giết được Ngư tinh chặt làm ba khúc. Khúc đầu
hóa thành con chó biển, bị Long Quân rượt theo chém chết, vứt đầu lên núi; người
ta gọi núi ấy là Cẩu đầu sơn. Khúc mình trôi ra xứ Mạn Cầu, người ta gọi là Cẩu
Mạn Cầu. Còn khúc đuôi thì Long Quân lột da phơi trên một hòn đảo, nay là đảo Bạch
Long Vĩ.
Đọc thêm♒♒♒
Danh sách truyện cổ tích Việt nam
Đọc thêm♒♒♒
Danh sách truyện cổ tích Việt nam
Comments
Post a Comment